thay-tran-quoc-bao-hay-cung-nhau-dat-muc-tieu-ro-rang-dam-uoc-mo-va-phan-dau-cho-uoc-mo-do
02/05 2022

Thầy Trần Quốc Bảo: “Hãy cùng nhau đặt mục tiêu rõ ràng, dám ước mơ và phấn đấu cho ước mơ đó!”

Thầy Trần Quốc Bảo được biết đến là một trong số những Hiệu phó trẻ tuổi và tài năng của WASS. Tràn đầy nhiệt huyết, bản lĩnh và cầu thị, thầy không chỉ hoàn thành tốt các yêu cầu công việc mà còn luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động nội bộ sôi nổi của Hệ thống cùng các đồng nghiệp của mình.

Bàn làm việc của Thầy Bảo được bài trí đơn giản và ngăn nắp. Một phần trên kệ sách trưng bày những bức ảnh kỷ niệm, những huy chương trong các sự kiện, cuộc thi thể thao, văn hóa mà Thầy đã từng tham gia. Có thể thấy, tình yêu mà thầy dành cho Indochina Group và những con người nơi đây thật sự to lớn, đó chính là động lực để thầy phấn đấu mỗi ngày trên hành trình sự nghiệp của mình. Hãy cùng trò chuyện với vị Hiệu phó trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết của chúng ta nhé!

Đâu là lý do để Thầy gắn bó với tập thể WASS trong 5 năm qua? Thầy có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với các đồng nghiệp tại WASS?

Sau thời gian du học tại Hà Lan, mình đầu quân vào Hệ thống trường Quốc tế Tây Úc với vai trò là Trợ lý chuyên môn Hội đồng Quản trị, phát triển chương trình Tú tài Quốc tế IBDP. Trong thời gian gắn bó với WASS trong năm năm vừa qua, mình được trao cơ hội để học tập, rèn luyện và phát triển chuyên môn của bản thân. Mình nhận thấy WASS là một môi trường cởi mở, nơi các nhân viên có thể cảm thấy thỏa mái đưa ra ý kiến, phản ánh và được lãnh đạo lắng nghe. Và điều quan trọng nhất, WASS và Indochina Group luôn có những buổi chia sẻ định hướng chiến lược phát triển đến tập thể giáo viên và nhân viên. Điều này giúp mình hiểu rõ tầm nhìn và triết lý của Hệ thống, từ đó phát triển những kế hoạch riêng cho mục tiêu chung đó. Bên cạnh đó, ở WASS, mình còn nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên, đồng nghiệp và các phòng ban khác liên quan. Tất cả những điều này giúp mình có cơ hội cống hiến cho WASS trong thời gian vừa qua và trong tương lai sắp tới.

Trong năm năm qua, mình đã có rất nhiều kỷ niệm với các đồng nghiệp ở WASS. Đó là các sự kiện của trường, từ việc trang trí lớp học đến tổ chức những ngày hội Open Day của cơ sở mới; từ buổi lễ khai giảng đến trường đến những buổi chia tay học sinh 12 ra trường; và còn những buổi tiệc gặp gỡ cuối năm và team-building giúp mình có cơ hội gặp tất cả đồng nghiệp ở các cơ sở. Mình thấy thật khó để chọn ra một kỷ niệm nào mình nhớ nhất hoặc ấn tượng nhất, vì kỷ niệm nào cũng đẹp theo cách riêng của nó.

Thời gian gần đây, khái niệm “trường học hạnh phúc” được nhắc đến nhiều trong giáo dục. Với những quan điểm của mình về nghề giáo thì theo thầy, đâu là điều quan trọng nhất để hình thành một “trường học hạnh phúc”?

Khung khái niệm về trường học hạnh phúc bắt nguồn từ nhiệm vụ của UNESCO là thúc đẩy hòa bình thông qua giáo dục, và đặc biệt từ các trụ cột quan trọng của việc học, chủ yếu là học cách sống cùng nhau và học hỏi. Chúng ta nói đến cảm xúc và hạnh phúc cho học trò nhưng đó là kết quả cuối cùng, đó là điểm cuối của con đường. Điểm đầu tiên trên con đường đó phải là cảm xúc và hạnh phúc của các thầy cô giáo. Đó chính là lý do trong những năm qua, Indochina Group không ngừng quan tâm và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia tập huấn chuyên môn trong và ngoài nước, tìm hiểu thêm những nội dung gắn với xu thế đổi mới giáo dục của thời đại mới; tổ chức các cuộc thi và team-building để gắn kết các thành viên với nhau, tạo động lực giúp các thầy cô luôn vui vẻ và hạnh phúc.

Theo thầy, sự khác biệt lớn nhất của giáo dục ngày nay so với giáo dục truyền thống là gì? Điều này kéo theo những yêu cầu nào mà người làm nghề phải luôn đáp ứng được để làm tốt vai trò của mình?

Sự khác biệt lớn nhất của giáo dục ngày nay và giáo dục truyền thống chính là sự tương tác giữa chủ thể giáo dục (người dạy) và đối tượng giáo dục (người học). Trong giáo dục hiện đại, học sinh luôn được khuyến khích để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trong bất cứ vấn đề gì; khuyến khích tự tư duy, tự làm chủ; nâng cao phong cách, khả năng suy nghĩ độc lập, giao tiếp và sáng tạo. Điển hình, tại WASS nói riêng và Indochina Group nói chung, phương pháp giáo dục trong những năm gần đây đã có sự đổi mới: chúng ta đánh giá học sinh không chỉ qua các bài thi cuối kỳ mà còn đánh giá học sinh qua sự nỗ lực trong suốt quá trình học tập, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh, tăng cường học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác thông qua các phương pháp project-based learning, play-based learning và inquiry-based learning.

Tú tài Quốc tế là chương trình học thuật phổ biến hàng đầu trên thế giới, tuy nhiên thầy có gặp phải khó khăn nào trong vai trò Điều phối viên chương trình này trước những rào cản mang tính bản địa?

IBDP được biết đến trên toàn thế giới như một chương trình văn bằng tiêu chuẩn cao nhằm mục đích trau dồi cho học sinh thái độ, kiến ​​thức và kỹ năng của nền giáo dục thế kỷ 21. Về khía cạnh quản lý giáo dục, chương trình này đòi hỏi phải lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo hợp lý và giám sát hệ thống trường học để đáp ứng các tiêu chuẩn do Tổ chức Tú tài Quốc tế (IBO) thiết lập. Ở WASS, mình may mắn vì luôn nhận được sự hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời từ Hội đồng Quản trị và Ban Giám Hiệu nhà trường, cũng như sự hỗ trợ từ các phòng ban khác trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Một trong những khó khăn lớn nhất mình muốn chia sẻ đó chính là việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh tham gia chương trình IB, đặc biệt đối với các bạn chuyển từ trường ngoài vào WASS: kỹ năng quản lý thời gian (Time-management skills) và tính trung thực trong học tập (Academic Honesty). Điểm đặc biệt của chương trình IBDP là giao quyền cho học sinh tự chủ trong suốt quá trình học, học sinh sẽ được thông báo thời gian và hạn nộp các bài đánh giá từ đầu năm học. Điều này đòi hỏi các học sinh IBDP phải biết cách tự lập kế hoạch học tập cho bản thân để có thể phân phối thời gian hợp lý thực hiện bài tập và nộp bài đúng hạn.

Nếu có một lời khuyên cho các đồng nghiệp trẻ tại Indochina Group, thì thầy sẽ nói gì?

“We are never in lack of money. We lack people with dreams, who can die for those dreams.” – Jack Ma –
(Chúng ta không bao giờ thiếu tiền. Chúng ta thiếu những người có ước mơ, những người có thể chết vì những ước mơ đó)

Làm việc trong một Hệ thống không ngừng phát triển, mình cho rằng các bạn phải luôn có mục tiêu rõ ràng, có ước mơ và phấn đấu cho ước mơ đó. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tập trung tối đa cho công việc và đi sâu hơn vào những gì mình làm. Điều đó đồng nghĩa với việc bên cạnh thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, khi đi làm, chúng cần hiểu vì sao mình phải làm điều A, điều B, và kết quả sẽ tác động như thế nào đến bức tranh tổng quan và mục tiêu chung của Hệ thống và nhà trường. Tìm hiểu sâu trách nhiệm của mình là bí quyết giúp chúng ta mở rộng hiểu biết và lớn lên. Bạn được phép phạm sai lầm, miễn là rút kinh nghiệm từ chúng và không bao giờ lặp lại. Bên cạnh đó, trong thời đại mà ai cũng có khả năng tiếp cận thông tin và các thiết bị hỗ trợ, sự khác biệt nằm ở thái độ siêng năng, chịu khó.

Trong tương lai, thầy đang ấp ủ những kế hoạch nào để phát triển sự nghiệp của bản thân cũng như của toàn Hệ thống?

Trong kế hoạch ngắn hạn của bản thân, mình có định hướng tham gia các khóa học bồi dưỡng thêm về kỹ năng lãnh đạo và điều hành của Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp (IABM). Bên cạnh đó, về mục tiêu dài hạn, mình có dự định sẽ theo đuổi các khóa học nghiên cứu chuyên sâu về Educational Leadership.

Thầy sẽ nói gì để khích lệ các đồng nghiệp trở nên tự tin cũng như dám bứt phá trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình?

Mỗi cá nhân mình có cơ hội làm việc và gặp gỡ mỗi ngày, đó đều là những cá nhân kiệt xuất. Và mình học được từ các bạn cách thức giúp cho chúng ta trở nên tốt hơn mỗi ngày, để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

Họ bắt đầu bằng việc làm mới cuộc sống hằng ngày. Họ mạnh dạn thay đổi cách thức giảng dạy và chia sẻ những hoạt động với tập thể trong những sự kiện của nhà trường. Họ thử thách bản thân với những điều mới lạ và hành động theo các mục tiêu đặt ra. Có những dịp cuối tuần, mình thường thấy trên Facebook, Instagram của các bạn những hình ảnh và câu chuyện các bạn khám phá những vùng đất quen thuộc với cách thức khác nhau. Các bạn tham gia nhiều câu lạc bộ và hội nhóm để phát triển bản thân và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Mình cũng từng gặp các bạn không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để bứt phá trên con đường trở thành phiên bản tốt nhất của mình. Như Lão Tử đã viết, cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu từ bước đầu tiên. Nếu bạn không bước đi, bạn sẽ mãi ở vạch xuất phát.

Trên hành trình sự nghiệp, đôi lúc chắc hẳn Thầy khó tránh khỏi việc bất đồng quan điểm với đồng nghiệp. Những lúc đó Thầy thường làm gì để vực dậy tinh thần và giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp?

Để giải quyết các bất đồng ý kiến, mình thường dựa trên Khung Quản lý xung đột được giới thiệu bởi K.Thomas và R.Kilmann (2009) để có thể xác định loại xung đột và đưa ra giải pháp.

Công cụ Thomas-Kilmann được thiết kế để đo lường hành vi của một cá nhân trong các tình huống xung đột. “Tình huống xung đột” là những tình huống mà mối quan tâm của hai người dường như không tương đồng với nhau. Trong những tình huống xung đột như vậy, chúng ta có thể mô tả hành vi của một cá nhân theo hai khía cạnh: (1) tính quyết đoán (Assertiveness), mức độ mà người đó cố gắng thỏa mãn mối quan tâm của chính mình, và (2) tính hợp tác (Cooperativeness), mức độ mà người này cố gắng thỏa mãn người kia mối quan tâm của người đó. Hai khía cạnh cơ bản này của hành vi con người (tính quyết đoán và tính hợp tác) sau đó có thể được sử dụng để xác định năm phương thức khác nhau để ứng phó với các tình huống xung đột: cạnh tranh (Competitive), thích nghi (Accommodating), né tránh (Avoiding), hợp tác (Collaborating), và thỏa hiệp (Compromising).

Kinh nghiệm lớn nhất mình rút ra được là “Đừng phớt lờ mọi thứ khi có mâu thuẫn xảy ra”. Thay vào đó, chúng ta nên sắp xếp một cuộc thảo luận với đồng nghiệp để giải quyết mọi mâu thuẫn hoặc vấn đề cá nhân. Việc ngồi xuống trò chuyện và hàn gắn tình cảm là quy tắc làm việc giúp mọi người thông hiểu và hợp tác với nhau tốt hơn.

Giá trị ý nghĩa nhất mà Thầy nhận được trong nghề giáo của mình là gì?

Giá trị ý nghĩa nhất mà bản thân mình nhận được trong nghề giáo chính là nhìn thấy các thế hệ học sinh trường trưởng thành từng ngày, không chỉ trong quá trình thu nhận kiến thức và còn cả trong việc phát triển nhân cách. Sau khoảng thời gian dài theo đuổi chương trình Tú tài Quốc tế IBDP, khóa đầu tiên của lớp IBDP sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp vào tháng 05.2022. Đây là một cột mốc đáng nhớ của mình trong vai trò Điều phối viên Chương trình IBDP. Mình hy vọng các bạn học sinh sẽ đạt được kết quả cao và được chấp nhận vào các trường đại học mà các em mơ ước.

zalo-oa
right arrow time clock pin e