Cảm nhận về nghề giáo viên mầm non và những điều ít ai thấu hiểu
Trong thế giới của trẻ em, giáo viên mầm non như những người mẹ thứ hai luôn dịu dàng và ân cần với các con. Các giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà còn chia sẻ những bài học quan trọng về sự tự tin và sáng tạo. Trong môi trường học tập đầy mới mẻ ấy, vai trò của giáo viên mầm non trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, vì những kiến thức và kỹ năng mà trẻ em học được ở giai đoạn đầu đời sẽ góp phần rất lớn vào việc hình thành nhân cách của các con trong tương lai.
Trong suốt khoảng thời gian đi học, Thầy Cô sẽ đồng hành cùng bé trên con đường tiếp thu những kiến thức mới, những kỹ năng mới, đồng thời sẽ chăm sóc cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ. Để có thêm những góc nhìn đa dạng về nghề giáo viên mầm non, hãy cùng RT Connection tìm hiểu qua lời chia sẻ từ các giáo viên mầm non trường Tây Úc nhé.
Trẻ khi mới đến trường còn nhiều bỡ ngỡ và ngại ngùng với mọi thứ xung quanh, Thầy Cô đã làm gì để giúp các con hòa nhập cùng bạn bè khi đến trường?
“Mình vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên các con đến lớp, sự rụt rè, bỡ ngỡ, đôi chút bướng bỉnh làm sao mình quên được. Các con khóc rất nhiều vì đây là lần đầu tiên con xa rời vòng tay thân thương của ba mẹ để bước vào một môi trường mới thật quá đỗi lạ lẫm.
Con khóc để giải tỏa những tủi thân trong lòng, cô biết con rất cần một vòng tay ôm ấp, vỗ về như vòng tay của mẹ. Em bé của cô những ngày đầu còn nhõng nhẽo không chịu ăn, giờ ngủ con luôn khóc thút thít vì nhớ gia đình, con thu mình vì chưa quen với môi trường mới. Cô đã ôm con bằng tất cả tình yêu thương của một người mẹ, chăm sóc con từng bữa ăn, vỗ về con trong những giấc ngủ. Cô luôn theo dõi, quan tâm và chia sẻ cùng ba mẹ của các con về những thói quen, tiến bộ mà con yêu của cô đạt được. Chắc vì con hiểu được những yêu thương, những tâm huyết mà cô đã cố gắng dẫn dắt con vào gia đình lớn của lớp chúng mình, mà hôm nay con đã hoà nhập thật tốt, biết yêu thương, chia sẻ và là một em bé thật ngoan.” Cô Trần Mai Thy – Giáo viên lớp Penguin – Trường Mầm non Tây Úc chia sẻ.
Ngoài những tiết học cùng bé vui chơi giải trí, cô giáo cần chuẩn bị những gì để mang đến những tiết học thú vị, phù hợp để tăng khả năng tư duy cho từng bé?
Để bé phát huy tốt về thể chất, tinh thần và khả năng học hỏi, đội ngũ giáo viên RT Holdings vẫn luôn không ngừng đổi mới kiến thức, tìm ra và áp dụng các phương pháp tốt nhất qua mỗi tiết học cho các em học sinh. Với khối mầm non cũng vậy, các giáo viên phải chuẩn bị bài giảng một cách chỉn chu khi đến lớp để mang đến cho các bé những bài dạy đảm bảo chất lượng với tiêu chí thú vị và dễ hiểu nhất.
Cô Tô Thị Bích Phương – Giáo viên mầm non lớp Koala 1 chia sẻ: “Là một giáo viên mầm non, mỗi ngày đến trường đều mang đến cho mình rất nhiều trải nghiệm thú vị cùng các con. Để tạo ra những niềm vui, tiếng cười cho học sinh, mình luôn cố gắng trau dồi, tìm hiểu thêm về các phương pháp giáo dục, chuẩn bị đồ chơi, đồ dùng học tập phù hợp với chủ đề giúp học sinh dễ dàng hình dung và hiểu rõ hơn về nội dung mà mình muốn truyền tải. Ở độ tuổi mầm non, việc học sinh tập trung và làm theo kế hoạch mà giáo viên chuẩn bị đôi khi sẽ không diễn ra như mong đợi, mình luôn cố gắng linh hoạt và sẵn sàng thay đổi nội dung tiết học nếu cần thiết để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự quan tâm của học sinh. Ngoài ra, mình còn tạo điều kiện để học sinh có thể học theo tốc độ và cách tiếp cận phù hợp với năng lực của bản thân. Cung cấp các dạng bài tập từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với khả năng của từng bé. Bên cạnh đó, việc đảm bảo môi trường học tập thuận lợi, thoải mái và an toàn sẽ giúp các con tự tin hơn trong việc thể hiện ý kiến và tư duy của mình. Điều quan trọng hơn hết của một giáo viên là lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu thương và tận tụy dành cho các em học sinh của mình, từ đó tạo ra một môi trường học tập tích cực mỗi khi đến lớp.”
Trong quá trình giảng dạy và chăm sóc các bé, Thầy Cô đã gặp phải những khó khăn hay thách thức gì và làm thế nào để vượt qua chúng?
Cô Lê Ngọc Hoàng Yến – GVMN lớp PBWA1 thuộc Hệ thống Trường Tây Úc chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy và chăm sóc các bé, mình đã gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức, do các bé ở độ tuổi này cần sự chăm sóc, quan tâm theo dõi, đặc biệt là tâm sinh lý rất nhạy cảm nên mình luôn trò chuyện, trao đổi với các bạn theo hướng tích cực nhất, tạo cho các bạn cảm giác thoải mái và hứng thú khi đến lớp cũng như trong giờ học. Thời gian một ngày ở lớp khá bận rộn với các bạn nhỏ cùng với các hoạt động, có những tình huống mà mình phải luôn chuẩn bị tinh thần để giải quyết vấn đề, tuy nhiên, mình đã vượt qua tất cả nhờ sự động viên từ đồng nghiệp. Mình thường tìm kiếm lời khuyên từ mọi người xung quanh, sự đồng cảm, giúp đỡ từ ngôi nhà thứ hai làm mình luôn cảm thấy an tâm, mình thực sự rất biết ơn từ tận đáy lòng. Cũng có đôi khi sau những giờ làm việc ở trường lớp, mình về nhà tự suy nghĩ lại mọi chuyện đã xảy ra ở lớp, và nhớ đến sự quyết tâm của mình lúc đầu khi chọn nghề giáo viên mầm non – đó là động lực to lớn để mình gắn bó với nghề. Mình đã luôn yêu những đôi mắt thơ ngây, khuôn mặt xinh xắn, mình sẽ vẫn luôn tiếp tục cống hiến hết cuộc đời cho sự nghiệp trồng cây dù có gặp bất cứ khó khăn hoặc thử thách nào.”
Thầy Cô hãy chia sẻ những khoảnh khắc đi dạy khiến các Thầy Cô nhớ nhất?
“Là một giáo viên mầm non, giáo dục đối với mình luôn là niềm hạnh phúc. Mình cho rằng những đứa trẻ khi đến trường là để được phát triển toàn diện. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề, có lẽ mọi khoảnh khắc với mình đều đáng trân quý. Được nhìn thấy các con cười rạng rỡ và lớn lên mỗi ngày là điều mà người giáo viên cảm thấy tự hào và ấm lòng nhất.
Vào năm ngoái, trong lớp mình có một bạn nhỏ đặc biệt hơn các bạn khác, cô bé được mình chú ý đến ngay từ những ngày đầu tiên đến lớp. Con đã khóc rất nhiều, con không đòi ba, cũng không gọi mẹ như những bạn cùng trang lứa. Con chỉ khóc to và gọi tên cô Lan – người giúp việc trong nhà. Qua trao đổi với phụ huynh, mình biết được cô bé chậm nói và khó ăn, bé thường ở nhà với cô giúp việc, ít nhận được sự quan tâm từ bố mẹ và thường được xem điện thoại để không gây phiền hà đến người lớn xung quanh. Nhận thấy trường hợp đặc biệt này, mình đã cố gắng trao đổi với ba mẹ của cô bé để gia đình thay đổi tư duy dạy con, dành thời gian chất lượng cho con hơn. Ngoài ra, mỗi ngày đến lớp mình luôn cố gắng trò chuyện với bé để bé có thể thực hiện nói theo Cô. Song song đó, mình cũng cố gắng tìm thêm sách đọc và học hỏi các kiến thức để hỗ trợ cô bé.
Ngày qua ngày cùng với sự cố gắng của bản thân, gia đình và sự nỗ lực của chính mình, cô bé đã bật ra được câu “Cô Hạnh ơi” khiến mình thật sự xúc động và vỡ òa trong hạnh phúc. Con bắt đầu nói được ba từ, rồi bốn từ và nói được một câu hoàn chỉnh. Mình thầm cảm ơn vì sự kiên nhẫn của bản thân, cảm ơn vì sự kiên tâm giúp cô bé tốt lên mỗi ngày. Và mình nhận ra rằng người thầy sẽ hạnh phúc khi những đứa trẻ hạnh phúc.” Cô Bùi Hồng Hạnh – Giáo viên mầm non lớp Wombat 1 – Trường Tây Úc đã chia sẻ.
Mỗi người trong chúng ta khi bước vào một công việc nào đó đều có những lý do của riêng mình, nhưng để gắn bó với nó cần một tình yêu xuất phát từ tâm. Đối với giáo viên mầm non cũng không ngoại lệ, đó là tình yêu trẻ nhỏ và bản lĩnh cá nhân. Tuy công việc có đôi phần khó khăn, song các Thầy Cô giáo trường mầm non Tây Úc vẫn luôn nỗ lực hết mình vì lý tưởng cao cả và tìm thấy những niềm vui rất đỗi đơn giản từ những điều bình dị nhất. Hệ thống cũng mong rằng, tất cả những Thầy Cô, những người công tác trong lĩnh vực giáo dục sẽ luôn vững tâm với nghề mình đã chọn, luôn cố gắng hết mình với sự nghiệp để những lần đò chúng ta đưa đều ý nghĩa, những hạt mầm chúng ta chăm sóc đều vươn mình thành những cây xanh tươi tốt và vững vàng mạnh khỏe.