19 năm hành trình: Tôi đi làm giáo dục
Mình chính thức đặt chân lên Sài Gòn vào khoảng 3 giờ chiều ngày 25 tháng 9 năm 1990, sau 1 năm trải nghiệm trong giảng đường đại học Cần Thơ, trên một chuyến xe khách đường dài khởi hành vào lúc 4 giờ 15 phút sáng cùng ngày từ Tân Hiệp, Kiên Giang.
Sài Gòn ngày ấy chưa quá đông đúc và nhộn nhịp như bây giờ, nhưng cũng đủ để làm cho những con người “nhà quê” cảm thấy ấn tượng và choáng ngợp bởi cái không khí đô hội nơi chốn thị thành. Còn nhớ, trong buổi đưa tiễn mình đi năm ấy, cùng với túi hành trang nhỏ là mấy bộ đồ trong chiếc “giỏ cói”, và hơn trăm ngàn đồng được gói kỹ với mấy “củ tỏi” ngày đó, Mẹ chỉ dặn mình “Con biết rồi đấy, nhà mình nghèo, lên đó cố gắng mà học, đừng có ăn chơi. Vì chỉ có học mới thoát khỏi đói nghèo”. Lời dặn đó thực tình mình chẳng mấy quan tâm, nhưng ở Sài Gòn một thời gian mới thấy “thấm” lời mẹ.
Ngày đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn, cũng là ngày mình được học buổi tiếng Anh vỡ lòng đầu tiên với bộ giáo trình “English for Today” và lớp Tin học căn bản tại 44 Tú Xương, trong khu vực của Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TP. HCM – là cái nơi ngày nay mình ngồi làm việc trên chính căn phòng học nhỏ ấy (*). Ngày đó, cũng chẳng biết học Anh văn, Tin học để làm gì, nhưng mơ ước lớn nhất và đơn giản nhất là mỗi tháng kiếm sao cho đủ ít tiền ăn và sinh hoạt là được. Bốn năm Đại học ở Sài Gòn thực sự khó khăn, nhưng là một trải nghiệm để phần nào tạo lên tính cách và con người của mình hôm nay.
Ngày đó, khi ra trường, những người đã được gia đình sắp xếp, hoặc những người có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh đều có công việc dễ dàng. Mình thì không thuộc hai nhóm trên, nhưng vẫn đặt mục tiêu ở lại Sài Gòn mười năm để có được tấm bằng Tiến sĩ rồi về quê kiếm vợ. Vì đơn giản nhà nghèo, không đất, không có nhiều ruộng mà lại “xấu” thì chỉ biết dựa vào “giáo dục” để làm tăng giá trị bản thân, chứ thực chất cũng chẳng biết Tiến sĩ quan trọng thế nào.
Sau nhiều lần nộp đơn, phỏng vấn và chờ đợi, rồi mình cũng kiếm được một công việc với mức lương khiêm tốn khoảng chừng mấy trăm ngàn một tháng, đủ trang trải nhà trọ và ăn uống qua ngày. Giá trị của công việc khởi đầu này không nằm ở thu nhập mà ở cơ hội học hỏi và nhận được sự phát hiện, hướng dẫn từ vị sếp tên Leonardo T. Gomez người Philippines, người thực sự góp phần làm nên IEDG hôm nay.
Nhờ có việc làm và cũng nhờ xuất thân từ nông dân, không ngại khó khăn và dành hết thời gian cho công việc cùng nhu cầu sinh hoạt chi tiêu tối giản, mình có thể bắt đầu thực hiện được ngay kế hoạch học tập như dự định khi quyết định ở lại Sài Gòn. Tám năm qua đi nhanh chóng và mục tiêu đặt ra đã đạt được vào năm 2002, sớm hơn kế hoạch ban đầu hai năm.
Bằng Tiến sĩ vào năm 1994 không biết để làm gì, nhưng vào năm 2002 thì nó thực sự hữu ích và vô cùng cần thiết. Bởi vì, từ một thông tin trên báo Tuổi Trẻ mà dự án thành lập Viện Kế toán & Quản trị doanh nghiệp được hình thành. Vấn đề là những dự án tương tự ở thời điểm ấy chưa phổ biến và chưa có nhiều người thuộc thành phần kinh tế tư nhân khi đó mở được một Viện tư nhân. Không phải do yêu cầu về vốn và tài chính, mà do những quy định và hướng dẫn về pháp lý chưa hoàn chỉnh, phần khác vì yêu cầu về đội ngũ nhân lực phải bao gồm những người có học vị Tiến sĩ – đặc biệt là người đứng tên thành lập và điều hành. Giữa lúc học xong chẳng biết làm gì, bỗng nhiên cơ hội đến. Thay vì học để… kiếm vợ, thì bây giờ học để đi mở Viện và được làm “Viện trưởng”, thật “oai”.
Sơ lược qua hành trình ở trên để thấy rằng câu chuyện hình thành và phát triển Hệ thống Đông Dương (Indochina Group) thật tình cờ, nhưng thực tế có thể là định mệnh. Cơ hội có thể tự đến, nhưng để đón nhận được cơ hội và biến nó thành hiện thực thì cần phải có sự chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ, rủi ro càng ít và thành công càng nhiều.
IABM là thành viên đầu tiên trong Hệ thống được thành lập với mong đợi xây dựng thành một trung tâm đào tạo các kỹ năng và bổ sung kiến thức thực tế cho những người đã tốt nghiệp từ các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học… thuộc khối ngành kinh tế dựa theo mô hình của Viện Quản trị kinh doanh ngoài Hà Nội giai đoạn đó. Mục tiêu rất đơn giản và cũng chưa có được định hướng dài hạn, cho dù vẫn mơ ước sẽ làm cho nó lớn mạnh như MIT (**) nhưng mình cũng không biết sẽ đi như thế nào và bằng con đường nào. Doanh thu được kỳ vọng sau 10 năm thành lập, tức vào năm 2013, sẽ là 1.740.000.000 đồng/năm. Thực sự, không ai có thể hình dung được quy mô phát triển của Hệ thống như ngày hôm nay.
Đã có người hỏi mình: “Trên hành trình gần 20 năm tham gia vào hoạt động đào tạo, không thể tránh khỏi những thăng trầm, đã từng có giây phút nào anh nghĩ đến việc dừng lại để lựa chọn một hành trình khác, tìm tới những hướng đi “an nhàn” và ít suy tư hơn?” Câu trả lời là chưa. Nhưng mình có tự đặt câu hỏi: “Tại sao không phải là ai khác mà lại là mình?” Xét cho cùng, câu trả lời đơn giản là: Mỗi người được sinh ra và được trao cho một sứ mệnh và nhiệm vụ tùy theo khả năng của bản thể đó. Nhận 10 “nén” cần phải làm sao để sinh lời thêm 10 “nén” khác.
Thành công nào cũng phải trả giá, và không có con đường bằng phẳng nào dẫn tới thành công. Ý tưởng kinh doanh ban đầu tại IABM gần như copy toàn bộ từ Viện Quản trị kinh doanh Hà Nội mà không có sự khác biệt gì lớn. Kết quả là chỉ sau 6 tháng thành lập, số tiền vốn ít ỏi ban đầu đã sử dụng hết mà chưa mang lại kết quả và doanh thu. Cái gì đến cũng sẽ đến: thay vì những buổi họp để tìm hướng đi mới, thì lại nổ ra những buổi tranh cãi và quy trách nhiệm. Kết cục là mình “mất” chức Viện phó và bị đuổi khỏi cuộc họp HĐQT vào tháng 10 năm 2003. Đó chính là khởi đầu của một quá trình thay đổi bản thân, tạo ra tư duy đột phá làm thay đổi Hệ thống, mang lại thành quả phát triển như ngày nay.
Nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có, trong giai đoạn tiếp theo, Indochina Group tiếp tục phát triển và kỳ vọng sẽ trở thành một hệ sinh thái khép kín, với các ngành nghề: Giáo dục – Thương mại và dịch vụ – Đầu tư, trong đó hoạt động giáo dục là chủ đạo gồm các bậc học từ mầm non đến sau đại học; địa bàn hoạt động không chỉ tại Việt Nam, mà còn mở rộng sang các nước Úc, Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật, Singapore,…
Tháng 3 là thời điểm đẹp trong năm, nhưng với riêng Indochina Group đó còn là một cột mốc đặc biệt, bởi nó đánh dấu thời khắc hình thành của Hệ thống từ viên gạch đầu tiên là IABM cho đến một hệ sinh thái phong phú, đầy tiềm năng như hiện tại. Đây cũng chính là lúc để mọi người cùng lắng đọng, nhìn lại và đánh giá, tổng kết, hoạch định và tiếp tục tiến lên.
Nếu chỉ dùng hai từ để diễn tả điều đã làm nên thành công của Indochina Group như ngày hôm nay, thì đó chính là hai từ “Khát vọng”. Vì chính nhờ khát vọng mà IABM được ra đời; rồi cũng chính nhờ khát vọng, mà các thành viên sáng lập đã có được tư duy đột phá giúp vượt qua mọi gian khó để tìm hướng đi mới; khát vọng đã mang những người trẻ có cùng đam mê và chí hướng từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc tập hợp về dưới mái nhà chung Indochina để chung tay đóng góp cho sự phát triển của Hệ thống, và xa hơn nữa là giúp cho đất nước thoát khỏi lạc hậu và nghèo đói bằng con đường “Giáo dục”.
Ngày đó quyết định “đi làm giáo dục” với mong ước kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Ngày nay, “kinh doanh giáo dục” vì “đam mê & khát vọng” với mong ước góp phần “thay đổi”; Thay đổi “giáo dục” góp phần thay đổi dân trí; Thay đổi “dân trí” góp phần thay đổi bộ mặt quốc gia dân tộc.
Tháng 3, tháng của hoài niệm, tháng để nhìn lại, tháng của những hoạch định tương lai.
Chủ tịch Hội đồng quản trị
TS. Trần Văn Rũng
(*) Địa chỉ 44 Tú Xương ngày đó, hiện nay chính là 43 Nguyễn Thông, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, nơi có cơ sở của WASS và văn phòng làm việc của TS. Trần Văn Rũng.
(**) MIT: Viện Công nghệ Massachusetts – một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.